Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

ỨNG DỤNG DUNG DỊCH CHIẾT XUẤT TỪ LÁ CẢI TÍM LÀM CHẤT CHỈ THỊ MÀU

 













































PHỤ LỤC

Mục
Nội dung
Trang
I
Lý do chọn dự án
1
II
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của dự án.
4
III
Mục tiêu nghiên cứu.
4
IV
Giới hạn phạm vi nghiên cứu
4
V
Phương pháp nghiên cứu
4
VI
Nội dung nghiên cứu
5
VII
Những điểm mới của dự án
5
VIII
Phần kết quả và thảo luận.
5

1. Giới thiệu về cây Cải tím
5

2. Quá trình chiết xuất và thử nghiệm
6

3. Quá trình chế tạo giấy quỳ
11

4. Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục môi trường đất.
12

5. Các bước thực nghiệm
14

6. Tìm hiểu một số cây trồng thích nghi với các môi trường đất có độ chua và kiềm khác nhau.
17

7. Phỏng vấn người dân về môi trường đất và hướng cách thử nghiệm.
17
IX
 Kết luận khoa học
19
X
Tài liệu tham khảo.
19













BÁO CÁO DỰ ÁN DỰ THI CUỘC THI KHKT
NĂM HỌC 2014 - 2015

I. Lý do chọn dự án
Với thời tiết và khí hậu lạnh giá ở Lai Châu rất phù hợp các loại cây họ cải, người dân thường hay trồng các loại cây này và mang đi bán. Một lần đi chợ em thấy người dân tộc bán rau cải tím, em mua về chế biến món ăn và em rất thích luộc, sau khi luộc xong em thích vắt một ít chanh với vị chua của nó vào nước luộc rau, vô tình em thấy nước luộc rau từ màu tím chuyển thành màu đỏ, em nghĩ liệu có phải trong lá cải tím có chất chỉ thị là Quỳ tím không? Em tiếp tục thử với nước vôi mà mẹ em dùng để quét tường nhà thấy nước luộc màu tím chuyển thành màu xanh. Trong môn hóa học em biết được giấy quỳ tím khi thử với dung dịch axit thì chuyển màu đỏ, còn dung dịch bazơ chuyển thành màu xanh. Nên em nghĩ  trong lá cải có chất chỉ màu là Quỳ tím. Vậy, có thể chiết xuất dung dịch này làm chất chỉ thị màu để phục vụ cho các môn học như Hóa học (thử tính axit, bazơ), Công nghệ (thử độ chua, độ kiềm của đất) được không? Qua tìm hiểu ngoài thực tế và qua các môn học em được biết đời sống của người dân vùng cao, vùng sâu rất khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn hạn trong việc nhận biết môi trường đất để có biện pháp cải tạo đất trồng cho phù hợp. Chính vì thế, mà một hộ gia đình thường hay có hiện tượng du canh du cư để tìm môi trường đất thuận lợi cho cây trồng nên cuộc sống người dân không ổn định, vì nguồn thu nhập chính là những sản phẩm mà họ gieo trồng ra.Trong cuộc sống việc người dân tiếp cận khoa học, phương tiện kỹ thuật hiện đại còn hạn chế nên sản phẩm của họ làm ra năng xuất, chất lượng thấp, giá thành sản phẩm chưa cao, khi trồng cây sau một thời gian thì đất hết chất dinh dưỡng, do bị rửa trôi, bị bạc màu dẫn đến năng suất cây trồng bị giảm sút. Tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy vẫn diễn ra hằng năm làm ảnh hưởng lớn đến môi trường.  
Trước thực trạng đó em nghĩ rằng không biết mình có thể hướng dẫn  người dân ứng dụng dung dịch chiết xuất từ cây cải tím để thử môi trường đất ở quê em được không? Dùng quỳ tím nếu chiết xuất được có thể giúp ích gì cho đồng bào giảm bớt khó khăn,... và nhiều câu hỏi được khác nữa đặt ra xung quanh vấn đề này để có biện pháp cải tạo đất sớm trước khi gieo trồng, tăng năng xuất giúp người dân ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng người dân chặt phá rừng bừa bãi, lấy đất sản xuất. Từ những suy nghĩ đó em nảy sinh ý tưởng nghiên cứu dự án "Ứng dụng dung dịch chiết xuất từ lá cải tím làm chất chỉ thị màu"
Sau đó, em đưa ý tưởng của mình bàn với bạn Dương Minh Ngọc, bạn rất đồng tình với quan điểm của em và chúng em đi xin ý kiến của cô giáo Bùi Thị Sen dạy bộ môn Hóa học, cô rất hoan nghênh ý tưởng nghiên cứu của chúng em và cô nhận lời giúp đỡ.
 Chúng em hy vọng rằng với ý tưởng nhỏ bé của mình sẽ giúp ổn định phần nào cuộc sống của người dân, đồng thời giúp các trường trên địa bàn chủ động được nguồn hóa chất dùng phục vụ trong giảng dạy và một mong muốn lớn hơn nữa là được giới thiệu một phần bức tranh về con người - thiên nhiên Lai Châu với thầy cô và các bạn  trên cả nước khi tham gia cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
II. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của dự án
- Với người dân:
+ Nếu dự án này được công nhận và triển khai sẽ giúp người dân nhận biết được môi trường đất theo phương pháp đơn giản, ít tốn kém, lựa chọn cây trồng sao cho phù hợp.
+ Chế tạo giấy quỳ giúp người dân nhận biết môi trường đất vào những mùa không có cây cải (mùa hè khi thời tiết nóng) và dùng để nhận biết dung dịch axit, dung dịch bazơ trong phòng thí nghiệm.
- Với phụ huynh học sinh: Giúp phụ huynh học sinh hiểu được vai trò của việc học tập, động viên con em mình đến trường, hạn chế việc bỏ học của học sinh.
- Với học sinh:
+ Kích thích lòng đam mê, sáng tạo, hăng say nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
+ Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức đã học vào trong thực tiễn sản xuất.
- Trong nhà trường: Giúp học sinh bước đầu tập làm quen với công tác nghiên cứu khoa học.
III. Mục tiêu dự án
Chiết xuất dung dịch từ lá cải tím làm chất chỉ thị màu nhằm:
- Thử xác định môi trường đất chua, đất kiềm từ đó có phương pháp cải tạo đất sớm mà không phải phụ thuộc vào quá trình phát triển của cây để nhận biết, lựa chọn cây trồng phù hợp với môi trường đất.
- Chế tạo giấy quỳ để phục vụ bà con dùng vào những mùa mà không có rau cải tím và dùng trong phòng thí nghiệm ở các nhà trường.
IV. Giới hạn, phạm vi dự án
- Nội dung nghiên cứu: Ứng dụng chất quỳ có trong dung dịch chiết xuất từ lá cải tím và chế tạo giấy quỳ.
- Không gian nghiên cứu: Môi trường đất ở địa bàn thành phố Lai Châu.
- Thời gian nghiên cứu:  03 tháng (từ 01/09/2014  đến 30/11/2014).
V. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thí nghiệm, thực nghiệm thông qua quan sát, phân tích, so sánh, đối chứng, kiểm tra.
- Phương pháp phỏng vấn.
- Nghiên cứu tài liệu có liên quan qua sách, báo, thông tin trên Internet.
VI. Nội dung nghiên cứu
- Tìm hiểu đặc điểm của cây cải tím và chất chỉ thị màu có trong thành phần của lá.
- Quá trình chiết xuất dung dịch dung từ lá cải tím, lá cải xanh và thử nghiệm trong môi trường axit, bazơ xem dung dịch chuyển màu như thế nào.
- Chế tạo giấy quỳ.
- Thử nghiệm dung dịch chiết xuất từ lá cải tím trong các mẫu đất ở các vùng đất khác nhau để xác định độ chua, độ kiềm.
- Nguyên nhân dẫn đến đất chua, đất kiềm và dựa vào thang đo axit, bazơ để xác định độ chua, độ kiểm như thế nào thì phù hợp với cây trồng.
- Tìm hiểu biện pháp cải tạo đất.
- Hướng dẫn người dân cách xác định môi trường đất trồng và tư vấn cách cải tạp đất (nếu có).
VII. Những điểm mới của dự án
- Hướng dẫn người dân cách chế tạo giấy quỳ để thử môi trường đất trong mùa hè không trồng được rau cải tím.
- Cuộc sống của người dân ở một số xã vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn nên không thể áp dụng các công nghệ cao vào việc thử môi trường đất. Với nguồn nguyên liệu rất gần gũi với bà con, dễ kiếm, dễ lấy và cách thức kiểm tra mẫu đất đơn giản sẽ giúp người dân dễ dàng nhận biết được môi trường đất để cải tạo và lựa chọn cây trồng cho phù hợp. 
VIII. Phần kết quả và thảo luận
1. Giới thiệu về cây Cải tím
Ảnh 1: Cây cải tím
Cây Cải Tím nằm trong Bộ Cải  hay bộ Mù tạc (danh pháp khoa học: Brassicales), Họ Brassicaceae, là một bộ thực vật có hoa, thuộc về phân nhóm Hoa hồng (rosids) của thực vật hai lá mầm. (Theo website của APG II) thì bộ này chứa khoảng 17 họ với 398 chi và khoảng 4.450 loài.
Cây cải tím sinh trưởng và phát triển tốt vào mùa đông khi thời tiết se lạnh. Sắc tố chính được chiết xuất từ lá cải tím là cyanidin 3,5 – diglucoside của hệ màu anthocyanin (Màu tím) và có màu sắc thay đổi rõ dệt theo pH của môi trường. Trong môi trường axit nó có màu đỏ bền và khi chuyển sang môi trường bazơ màu của nó chuyển sang màu xanh và bền trong thời gian dài. Đây là đặc tính rất khác so với các anthocyanin của một số nguyên liệu khác (màu thay đổi liên tục tại pH kiềm) như: tía tô, quả dâu tây ….
2. Quá trình chiết xuất và thử nghiệm
2.1. Nguyên liệu: Lá cải tím, lá cải xanh
2.2.  Hóa chất : Dung dịch axit : CH3COOH 0,1M; HCl 0,1M
                          Dung dịch bazơ: NaOH 0,1M; NH3 0,1M ; Nước cất.
2.3.  Dụng cụ: Ống nghiệm, kẹp gỗ, đèn cồn, diêm,  cốc thủy tinh, ống hút, kiềng sắt, lưới Amiăng, kéo, giấy lọc, phễu, bình tam giác, thìa sắt, giá sắt nhỏ để rây đất, kéo, bông, kẹp sắt, ống típ sắt dài 30cm, lọ thủy tinh, dầm lấy đất, gang tay  y tế.
2.4. Các bước tiến hành
Bước 1: Tìm kiếm nguyên liệu
Lấy hai loại cây cải có lá màu tím, màu xanh sau đó rửa sạch, để ráo nước và tiến hành chiết xuất dung dịch tại phòng thí nghiệm
Ảnh 2: Cô, trò trao đổi và lựa chọn các loại cải
Bước 2: Tiến hành chiết xuất dung dịch từ hai loại cải (cải xanh và cải tím)
 Cắt lấy 20 gram phần phiến của hai loại lá cải rồi cho lần lượt vào hai cốc thủy tinh đựng sẵn 100ml nước cất, sau đó đặt lên hai kiềng đun có đặt sẵn hai tấm lưới Amiăng rồi tiến hành đun ở ba khoảng thời gian khác nhau cụ thể là:
 + Đun đến sôi rồi để 1 phút à chiết xuất dung dịch
 + Đun đến sôi rồi để 5 phút à chiết xuất dung dịch
 + Đun đến sôi rồi để 7 phút à chiết xuất dung dịch

Ảnh 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh  cách chiết xuất dung dịch
Ảnh 4: Học sinh  lựa chọn  phần phiến lá của 2 loại lá cải để  chiết xuất

Ảnh 5: Học sinh  tiến hành chiết xuất dung dịch ở các khoảng thời gian khác nhau
Bước 3: Lọc lấy dung dịch
Sau khi chiết xuất được dung dịch ở các khoảng thời gian khác nhau, học sinh tiến hành lọc lấy dung dịch và đem thử với các môi trường
Ảnh 6: Học sinh lọc dung dịch vừa chiết xuất




Bảng 1: Bảng kết quả màu sắc của dung dịch chiết xuất từ 2 loại cải ở các khoảng thời gian khác nhau.
Số lần làm thí nghiệm
Khối lượng lá cải
Thể tích nước
Thời gian đun sôi 1000
Màu sắc của nước lá cải tím
Màu sắc của nước lá cải xanh
Lần 1
20 gram
100ml
1 phút
Mầu tím nhạt
Màu xanh lá
Lần 2
20 gram
100ml
5 phút
Màu tím
Màu xanh lá
Lần 3
20 gram
100ml
7 phút
Màu tím đậm
Màu xanh lá
Kết luận 1: Sau khi đun ở các khoảng thời gian khác nhau màu sắc của dung dịch được chiết xuất từ lá cải tím đậm dần do sắc tố tím Anthocyanin trong lá cải được tách ra khỏi tế bào thành dung dịch. Lá cải xanh không có sắc tố tím nên màu của dung dịch chiết xuất ra vẫn là màu xanh.
Bước 4: Tiến hành thử nghiệm
          - Học sinh tiến hành thí nghiệm dung dịch vừa chiết xuất từ hai loại cải với dung dịch axit, bazơ để xem trong loại cải nào có chất quỳ :
+ Thí nghiệm 1: Nhỏ dung dịch cải tím chiết xuất ở các khoảng thời gian sôi khác nhau vào :
          Ống 1: Dung dịch axit CH3COOH 0,1M
          Ống 2: Dung dịch axit HCl 0,1M
          Ống 3: Dung dịch bazơ NaOH 0,1M
          Ống 4: Dung dịch bazơ NH3 0,1M
Ảnh 7: Học sinh thử nghiệm dung dịch cải tím trong các dung dịch axit, bazơ
+ Thí nghiệm 2: Nhỏ dung dịch từ cải xanh, chiết xuất ở các khoảng thời gian sôi khác nhau vào :
          Ống 1: Dung dịch axit CH3COOH 0,1M
          Ống 2: Dung dịch axit HCl 0,1M
          Ống 3: Dung dịch bazơ NaOH 0,1M
          Ống 4: Dung dịch bazơ NH3 0,1M
Ảnh 8: Học sinh thử nghiệm dung dịch cải xanh trong các dung dịch axit, bazơ
          Bảng 2 : Kết quả thử nghiệm dung dịch chiết xuất từ lá cải tím ở các khoảng thời gian khác nhau mới dung dịch axit, bazơ.
    Dung dịch chiết xuất từ lá cải tím
Hóa chất
Độ chuyển màu
Màu tím nhạt
Màu tím
Màu tím đậm
Dung dịch NH3 0,1M
Xanh
Xanh
Xanh
Dung dịch NaOH 0,1M
Xanh
Xanh
Xanh
Dung dịch CH3COOH 0,1M
đỏ
đỏ
đỏ
Dung dịch HCl 0,1M
đỏ
đỏ
đỏ
Bảng 3: Kết quả thử nghiệm dung dịch chiết xuất từ lá cải xanh ở các khoảng thời gian khác nhau mới dung dịch axit, bazơ.
   Dung dịch chiết xuất từ lá cải xanh
Hóa chất
Độ chuyển màu
Màu xanh
Màu xanh
Màu xanh
Dung dịch NH3  0,1M
Xanh
Xanh
Xanh
Dung dịch NaOH 0,1M
Xanh
Xanh
Xanh
Dung dịch CH3COOH 0,1M
Xanh
Xanh
Xanh
Dung dịch HCl 0,1M
Xanh
Xanh
Xanh
Kết luận 2: Từ bảng phân tích trên ta thấy dung dịch chiết xuất từ lá cải xanh khi thử với môi trường dung dịch axit, bazơ khác nhau đều không làm đổi màu, còn với dung dịch chiết xuất từ lá cải tím thì thời gian chiết xuất dù ngắn hay dài đều làm cho môi trường dung dịch axit, bazơ khác nhau đổi màu.
          3. Quá trình chế tạo giấy quỳ
3.1. Chế tạo giấy quỳ theo các bước :
Bước 1: Lựa chọn mẫu giấy (giấy lọc, giấy vở viết, giấy bản)
Bước 2: Cắt giấy với kích thước 0,8x3cm.
Ảnh 9 : Học sinh chế tạo giấy quỳ từ giấy lọc
Bước 3: Dùng bông tẩm dung dịch lá cải tím thấm ướt mẫu giấy rồi để  nhiệt độ thường khoảng 15 – 20 phút.
Bước 4: Phơi khô nơi ánh sáng yếu hoặc trong bóng dâm.
Bước 5: Bảo quản trong bình thủy tinh (hoặc túi bóng) sạch và khô.
3.2. Thử giấy quỳ vừa chế tạo với dung dịch axit HCl 0,1M ; CH3COOH 0,1M và dung dịch NaOH 0,1M ; NH3 0,1M.
Ảnh 10: Học sinh  thử với giấy quỳ vừa chế tạo với dung dịch axit, bazơ

Bảng 4: Màu sắc của giấy quỳ vừa chế tạo khi thử nghiệm với dung dịch axit, bazơ
   Giấy quỳ vừa chế tạo

Hóa chất
Độ chuyển màu
Từ giấy lọc
Từ giấy bản
Từ giấy thường
Dung dịch NH3  0,1M
Xanh nhạt
Xanh nhạt
Xanh nhạt
Dung dịch NaOH 0,1M
Xanh
Xanh
Xanh rất nhạt
Dung dịch CH3COOH 0,1M
Hơi hồng
Hơi hồng
Hơi hồng
Dung dịch HCl 0,1M
Hồng
Hồng
Hồng rất nhạt
Kết luận 4: Giấy được tẩm dung dịch lá cải tím có tính chất như quỳ tím, nên ta hoàn toàn có thể dùng cách này để chế tạo giấy quỳ  phục vụ cho các bài nhận biết các chất trong phòng thí nghiệm của các nhà trường và giúp bà con dùng thử môi trường đất vào những mùa không trồng được loại rau này.
4. Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục môi trường đất.
4.1. Thực trạng 
Ở một số xã vùng cao, vùng sâu cuộc sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn vất vả, nguồn thu nhập chính là những sản phẩm mà họ nuôi trồng ra, người dân tiếp cận khoa học, phương tiện kỹ thuật hiện đại còn hạn chế nên sản phẩm người dân làm ra năng xuất, chất lượng thấp, giá thành sản phẩm chưa cao dẫn tới cuộc sống của người dân không được ổn định, khi trồng một thời gian thì đất hết chất dinh dưỡng, bị rửa trôi, bị bạc màu không còn khả năng cho canh tác thì  họ lại di cư sang nơi khác khai phá 1 vùng đất khác dẫn đến tình trạng đất trống, đồi núi.
4.2. Nguyên nhân dẫn đến đất chua và đất kiềm.
          Độ chua, độ kiềm của đất được đo bằng độ pH. Đất thường có trị số pH từ 3 đến 9. Căn cứ vào trị số pH người ta chia đất thành: đất chua (pH < 6,5), đất trung tính (pH = 6,6 - 7,5) và đất kiềm (pH > 7,5). ( Dẫn theo trang web Bách khoa toàn thư mở (http://vi.wikipedia.org/wiki/PH))
Thang đánh giá pH đất
Bảng chỉ số pH  tương ứng với loại đất:
Độ pH
Đánh giá đất
3,0 – 4,0
Đất rât chua
5,0 – 5,5
Đất chua
5,5 – 6,5
Đất hơi chua
6,5 – 7,0
Đất trung tính
7,1 – 7,5
Đất hơi kiềm
7,5 – 8,0
Đất kiềm
> 8,0
Đất kiềm nhiều
Đối với đất chua: Do rửa trôi bởi nước mưa, nước tưới quá thừa. Nước mang đi chất dinh dưỡng hòa tan, trong đó có nhiều chất kiềm như canxi (Ca), Magiê (Mg), Kali (K)….. xuống tầng đất sâu, sông suối, ao hồ…. làm cho đất mất chất kiềm, biến thành chua.
         Do cây lấy thức ăn: ngoài đạm, lân, kali (NPK) cây lấy khá nhiều Ca, Mg… một vụ lúa trung bình cây hút 40 – 50kg/canxi của đất/1ha; trồng nhiều vụ/năm, giống năng suất cao, lượng muối Caxi và muối Magie trong đất mất đi càng nhiều. Nếu hàng năm không bón bù vào số cây bị lấy đi, càng làm cho đất  nhanh bị chua.
        Bón phân khoáng (hóa học) mang gốc axit như phân KCl (Kali clorua) K2SO4 (Sunfat kali), Suppe lân … Các gốc axit =SO4, - Cl  cây không lấy hoặc lấy rất ít, tồn tại trong đất, cùng với nước tạo thành axit làm cho đất chua.
Đất kiềm:  là loại đất do nước thải sinh hoạt, nước xà phòng, các chất tẩy rửa được lấy từ mẫu đất bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt ở một số gia đình, các nhà máy,...
4.3.  Biện pháp khắc phục môi trường đất chua, đất kiềm:
- Đất chua:
Bón vôi là biện pháp thường xuyên. Lượng vôi bón, căn cứ vào độ chua (pH) của đất, chua nặng phải bón nhiều. Dùng vôi xám tốt hơn vôi trắng vì có cả ion (Ca và Mg).
Tăng cường bón phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh,…). Với đất cát nhẹ, đất bạc màu bón được 20 – 30 tấn/ha hàng năm càng tốt. Nếu có điều kiện lấy đất sét nặng trộn với đất mặt cũng là biện pháp cải tạo đất cát, đất bạc màu để tăng khả năng hấp thụ của đất.
Trong canh tác: Quản lý nước thích hợp, hạn chế dòng chảy, trồng cây phủ đất kết hợp làm phân xanh. Hạn chế tối đa dùng thuốc trừ cỏ làm trắng đất, làm giảm lượng hữu cơ trong đất.
- Đất kiềm
Sự thiệt hại càng trầm trọng khi đất được bón thêm nhiều đạm và lân. Khắc phục hiện tượng này bằng cách giảm lượng phân đạm, lân và vôi cho cây, xây dựng thủy lợi nội đồng tốt giúp cho việc cung cấp và thoát nước dễ dàng, cày đất phơi ải vào mùa nắng.
5. Các bước thực nghiệm 
- Bước 1: Lựa chọn địa điểm lấy mẫu đất
Ảnh 11: Lấy mẫu đất tại vườn trường
 
Ảnh 12: Mẫu đất tại đồi chè - bản Thành Lập – Phường Đoàn Kết

Ảnh 13 : Mẫu đất tại bãi trồng rau  ở  xã San Thàng
+ Nơi nước thải của một số hộ gia đình ở phường Tân Phong.
Ảnh 14: Mẫu đất nơi nước thải của một số hộ gia đình ở phường Tân Phong.
          Bước 2: Cách lấy mẫu đất :
Xác định khu đất cần lấy, sau đó lấy đất ở 4 góc và ở chính giữa của khu đất rồi dùng một ống típ tròn đường kính khoảng 2,0 cm đặt ống  ở vị trí chính giữa của khu đất rồi thọc sâu xuống đất khoảng 20cm để lấy đất ở các lớp đất phía dưới, làm tương tự như thế với các khu vực lấy đất khác.
          Bước 3: Cách xử lý mẫu đất:
Lấy  mẫu đất vừa lấy ở một địa điểm rồi tiến hành trộn đều đất lấy ở các vị trí với nhau, nghiền nhỏ và rây để lấy những hạt đất nhỏ, mịn và cho vào lọ thủy tinh sạch, khô, đậy nút rồi gắn địa điểm lấy mẫu đất vào, làm tương tự với các mẫu đất còn lại.
Bước 4 : Thử nghiệm với các mẫu đất:
- Cách thử mẫu đất với dung dịch lá cải tím :
Cho các mẫu đất ở các khu vực khác nhau lần lượt vào từng bát sứ và nhỏ từ từ dung dịch lá cải tím vào.
- Cách thử với mẫu đất với giấy quỳ chế tạo từ lá cải tím :
Cho 3 gram lần lượt các mẫu đất vào từng ống nghiệm đựng 15ml nước cất và lắc nhẹ. Sau đó thử lần lượt với dung dịch từ lá cải tím và  giấy quỳ  vừa chế tạo.
Quan sát hiện tượng và ghi lại kết quả :
Bảng 5: Kết quả thực nghiệm
Thử với quỳ

Mẫu đất
Dùng giấy quỳ nhúng vào dung dịch pha từ đất.
Nhỏ dung dịch từ lá cải tím vào môi trường đất

Môi trường đất
Màu
Khoảng pH
Màu
Khoảng pH
Trong vườn trường
Không
đổi màu
6,6 - 7
Không
đổi màu
6,6 - 7
Đất trung tính
Tại đồi chè - bản Thành Lập
Đổi
màu  hồng

 
4 - 5
Đổi màu hơi hồng

 
4 - 5
Đất
có môi trường
axit (chua)
Đất ở bãi trồng rau  ở  xã San Thàng
Đổi
màu hơi hồng
5,5 – 6,5
Đổi
màu hơi hồng
5,5 – 6,5
Đất
có môi trường
axit (chua)
Đất bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt ở một số gia đình tại Phường Tân Phong
Đổi
màu xanh

 
8,5 - 9
Đổi
màu hơi xanh

 
8,5 - 9
Đất  có
môi trường bazo
(kiềm)
Kết luận 5: Trong cùng một môi trường đất khi dùng dung dịch hay giấy quỳ chế tạo từ nước lá cải tím với các cách thử khác nhau trong nhiều loại đất khác nhau đều cho kết quả gần như nhau.

Ảnh 15 : Học sinh thử nghiệm môi trường đất với dung dịch chiết xuất từ lá cải tím
6. Tìm hiểu một số cây trồng thích nghi với các môi trường đất có độ chua và kiềm khác nhau.
                       Đất chua             Đất trung tính              Đất kiềm
 

 

Cây chè, bắp cải
Cây lúa và khoai lang, Cà phê
Đậu tương, dưa chuột
Cây bông, cà chua
Rau xà lách, rau diếp, cải canh

          Kết luận : Dựa vào bảng màu trên, có thể hướng dẫn người dân thử môi trường đất bằng giấy quỳ hoặc dung dịch lá cải tím, sau đó đối chiếu với bảng màu để xác định mẫu đất, tìm biện pháp cải tạo đất, lựa chọn cây trồng cho phù hợp.
7. Phỏng vấn người dân về môi trường đất và hướng cách thử nghiệm.
7.1. Phỏng vấn bà con về thực trạng đất của họ đang canh tác.
Người hỏi
Người trả lời
Nguồn thu nhập chính của các bác là gì?
Chủ yếu là từ  trồng rau, trồng lúa, ngô.
Trong quá trình trồng và chăm sóc các bác tiến hành như thế nào?
Làm đất, bón phân, làm cỏ
Như cháu được biết một số gia đình bà con ở vùng cao, vùng sâu thường hay du canh, du cư mà không định canh định cư. Bác có thể cho chúng cháu biết lí do được không?
Do sau mỗi mùa trồng cây đất không tốt, không tăng năng xuất, thu nhập không cao nên đời sống khó khăn lắm.
Đấy là hiện tượng đất bị bạc màu, giảm chất dinh dưỡng. Các bác có biết lí do tại sao đất lại giảm chất dinh dưỡng cho cây trồng không?
Không
Chúng cháu đang nghiên cứu "Ứng dụng của nước rau cải tím để thử môi trường đất".
Vậy bác có muốn chúng cháu giúp  tư vấn để bác biết được tại sao đất lại nghèo chất dinh dưỡng như vậy không và biện pháp cải tạo như thế nào, lựa chọn loại cây gì để trồng cho phù hợp, tăng năng xuất, cải thiện được đời sống mà không phải du canh, du cư không?
Bác rất muốn được các cháu giúp đỡ, đó là điều mà bao nhiêu năm nay chúng tôi chưa biết.
Ảnh 16: Học sinh phỏng vấn người dân về thực trạng của đất
7.2. Hướng dẫn người dân chiết xuất dung dịch từ lá cải tím:
- Lấy nguyên liệu: Từ chính rau cải trồng trong vườn của gia đình.
- Chiết xuất: Luộc rau lấy nước có màu tím.
- Thử môi trường đất trồng: Lấy mẫu đất ở các góc ruộng cộng với ở giữa, trộng đều và nhỏ nước lá cải tím vào mẫu.
- Đối chiếu sự đổi mầu của đất với thang đo để xem độ chua và độ kiềm như thế nào sau đó có biện pháp cải tạo và lựa chọn cây trồng cho phù hợp.
7.3. Hướng dẫn các chế tạo giấy quỳ và cách thử với môi trường đất (Quy trình như quá trình nghiên cứu).
Lưu ý: Bà con dùng các dụng cụ sẵn có trong gia đình để chiết xuất và chế tạo giấy quỳ, pha mẫu đất với nước (nếu không có nước cất thì có thể chế tạo bằng cách thu hơi nước khi đun sôi).
7.4. Phân tích nguyên nhân dẫn đến đất chua, đất kiềm và biện pháp khắc phục.(Phân tích như nội dung đã tìm hiểu mục 4.2 và 4.3)
IX. Kết luận khoa học.
Để thử được các mẫu đất không phải tốn bất kì chi phí nào cho việc kiểm tra độ chua hay độ kiềm của đất, người dân có thể tận dụng luôn nước luộc  từ lá cải tím để kiểm tra đất mà không phải đợi đến khi trồng cây, nhìn biểu hiện của cây để biết tình trạng của đất. Còn trong các trường học thì sẽ luôn chủ động được nguồn hóa chất để nhận biết các dung dịch. Chúng em mong muốn rằng dự án này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong nhân dân và các bạn học sinh trên địa bàn thành phố Lai Châu.
X. Tài liệu tham khảo.
1. Sách giáo khoa hóa học 8, công nghệ 7 – THCS
2. Sách giáo khoa hóa học 10,11,12 - THPT
3. Sách giáo viên hóa học 8, 9 – THCS
4. Sách hướng dẫn bộ thực hành thí nghiệm  - Hội khoa học kỹ thuật Hà Lan hợp tác với Việt Nam – Sản xuất năm 1997.
5. Tham khảo thêm thông tin trên mạng internet
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét